Teen đang chọn trường như thế nào?

Nhãn:


Thời gian nộp hồ sơ thi đại học đã bắt đầu từ mấy ngày qua, hãy xem teen nhà mình lựa chọn trường ra sao nhé!

Lựa chọn ngành hot - quyết định của đa số teen

Danh sách ngành “hot” hiện nay rơi vào nhóm ngành Kinh tế thuộc về: Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán, Kinh tế đối ngoại… mặc dù các ngành này đều có mức điểm chuẩn khá cao (thường trên 21 điểm) nhưng vẫn được teen nhà mình “ưu ái” lựa chọn.

Thanh Nga (17 tuổi) - một bạn nộp hồ sơ vào ngành Tài chính - Đại học Kinh tế Quốc dân giải thích về lựa chọn của mình: “Hiện nay, Việt Nam đang có một nền kinh tế phát triển nên nhu cầu về các ngành kinh tế rất cao do đó lượng tuyển nhân sự ở các ngành này chắc hẳn sẽ rất cao. Đăng kí vào ngành Tài chính tớ mong muốn sau này ra trường sẽ tìm kiếm được một công việc ổn định với thu nhập cao”. Có rất nhiều bạn teen có cùng quan điểm với Nga nên số lượng hồ sơ nộp vào khối ngành Kinh tế tăng cao vùn vụt trong vài năm gần đây. Dự đoán năm nay, số lượng hồ sơ sẽ tiếp tục tăng tại các ngành “hot” ở những trường “top” như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng…

Các ngành học mới: PR và Quảng cáo, Marketing, Chứng khoán và Thẩm định giá, Công nghệ Spa, Đô thị học… cũng thu hút khá nhiều teen đam mê thực sự ở từng lĩnh vực nhất định. Một số ngành được cho rằng khô khan nhưng thực sự đang thiếu nhân lực, hứa hẹn cơ hội nghề nghiệp cũng là lựa chọn được nhiều teen hướng tới: Giao thông vận tải, Công nghệ hóa thực phẩm, Lâm Nghiệp, Quản lý đô thị…


Đại học dân lập cũng là một lựa chọn

Có nhiều lý do để teen nghĩ đến “bến đỗ” dân lập cho 4 - 5 năm dùi mài kinh sử của mình. Đó là: có nhiều ngành mới và lạ (Hoạt hình manga, Công nghệ spa, Phong thủy học, Việt Nam học…), cơ sở vật chất đẹp, đầy đủ tiện nghi, lớp học có chất lượng tốt và đặc biệt là điểm đầu vào dễ chịu hơn hẳn so với các trường đại học công lập.

Các trường dân lập thu hút được nhiều teen nhất là: Đại học Thăng Long, Đại học Hồng Bàng, Đại học Văn Lang, Đại học FPT… Nhưng một trở ngại khá lớn là học phí dân lập hơi “chát” hơn so với các trường khác, thế nên đây là lựa chọn chỉ dành cho các thí sinh ở gia đình có điều kiện. Mức học phí tham khảo ở các trường như sau:

Công lập: 3,5 triệu - 4 triệu/năm

Bán công: 5 triệu - 8 triệu/năm

Dân lập: 10 triệu - 30 triệu/năm

Đặc biệt một số trường đặc thù như đại học FPT hay đại học RMIT, đại học Quốc tế Sài gòn có mức học phí rất cao, từ 50 triệu - 300 triệu/năm. 
Ngoài ra, một số ngành học cần đi thực tế (Du lịch, Quản lý đô thị…) hay thí nghiệm nhiều (Hóa chất, Công nghệ sinh học…) sẽ có mức học phí lớn hơn.

Teen thờ ơ với đại học địa phương

Kết thúc 12 năm phổ thông, hầu hết teen đều có tâm lý “Sài Gòn tiến” hay “Hà Nội tiến” nên dù các trường đại học ở tỉnh, thành phố đều có những ngành tương tự như các trường tại Hà Nội, Tp.HCM, teen vẫn thích “phiêu lưu xa”.

Thực tế, các trường đại học địa phương đang được nâng cấp rất nhiều về chất lượng giảng dạy và cả cơ sở vật chất để phục vụ học tập. Trường ĐH Đà Lạt nằm ở vị trí siêu đẹp với khuôn viên rộng 40 hecta, lung linh chẳng kém gì phim Hàn Quốc. Ở đó có cả một khu thí nghiệm Vật lý riêng biệt và có hẳn 1 sân khấu ngoài trời cho teen thoải mái tổ chức hoạt động, thế nhưng vẫn không giữ chân được nhiều teen Đà Lạt.

Đến đại học Cần Thơ thì hẳn bạn sẽ phải xuýt xoa trước tòa nhà thư viện ngất ngây hiện đại với khu cafe ngay dưới sảnh đẹp và to hoành tráng, không thua gì Sài Gòn. Trường có chất lượng giảng dạy thuộc loại tốt nhưng điểm đầu vào của trường luôn dễ thở hơn so với các trường ở thành phố, bởi số lượng thí sinh đăng ký thi không nhiều và năm nào trường cũng phải xét tuyển thêm NV2, NV3 để đủ chỉ tiêu.

Học gần nhà sẽ tiết kiệm được cho teen và bố mẹ cực nhiều chi phí: thuê nhà, ăn uống, đi lại… và lúc nào cũng được ở gần với gia đình của mình thì hạnh phúc biết bao! Lựa chọn trường đại học ngay tại địa phương với những ngành mà bạn yêu thích cũng rất ổn đấy chứ.

Còn bạn thì sao, những tân sinh viên tương lai, các bạn đã có lựa chọn cho riêng mình chưa? Hãy cùng chia sẻ với chúng tớ nhé!

0 nhận xét: